Rào cản đối với cách mạng giáo dục

Báo chí hôm nay viết loạn lên về Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp là một phụ nữ đạo Hồi mới 38 tuổi (sinh năm 1977). Nàng được tán dương là rất xinh đẹp, rất giỏi và là ngôi sao đang lên của chính trường Pháp.

Không biết báo chí có biết là bộ trưởng bộ Nhân Lực (tương đương với Bộ Giáo Dục) Smriti Zubin Irani của Ấn Độ cũng là một phụ nữ 39 tuổi (sinh năm 1976) không? Nàng cũng từng là minh tinh màn bạc Bollywood, người mẫu nổi tiếng. Và đặc biệt là nàng chưa từng tốt nghiệp đại học.

Nước Pháp và Ấn Độ, hai cường quốc lớn trên thế giới, dám đặt trách nhiệm lớn lao khủng khiếp lên hai người phụ nữ (trẻ) và cũng chẳng nề hà gì khi họ đều không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Đâu cần phải giáo sư, tiến sĩ, đâu cần phải qua bao nhiêu vòng đấu đá chính trị. Đâu cần phải kinh qua hết vị trí này nọ.

Cái họ cần là những tư duy đột phá, sáng tạo để xử lý những vấn đề lớn trong giáo dục. Chuyện bổ nhiệm họ cũng đã cho thấy tư duy đột phá từ những người lãnh đạo.

Thế cho nên ở Ấn Độ mới có những trường đại học còn khó hơn vào MIT, Harvard, với mức học phí như cho không; mới có những lớp học dạy bằng tiếng Anh với chi phí bằng 3 que kem ($7-10/tháng), với những giáo trình phổ thông bằng tiếng Anh thay thế toàn bộ giáo trình phổ thông lớn (IB, IGCSE) được phát miễn phí trên mạng; với những giải pháp giáo dục hiệu quả mà chi phí rẻ đến choáng váng. Hàng chục năm trước đây, Ấn Độ nổi tiếng với cách mạng xanh. Bây giờ thì Ấn Độ nổi tiếng với cách mạng giáo dục: giáo dục chất lượng tinh hoa cho số đông. Tất cả đều đến từ tư duy cách mạng!

Ngược lại, với tư duy làm giáo dục tốn kém, bảo thủ, vụ lợi, và thái độ vô trách nhiệm thì đất nước sẽ mãi còn những đề án soạn sách giáo khoa hàng trăm tỷ đồng với hàng chục tiêu chí loạn cả óc mà tôi cá là chắc chắn sẽ không đi đến đâu; còn những chương trình tiếng Anh với học phí hàng triệu đồng/tháng; còn những cái máy tính bảng giá hàng trăm đôla mà phụ huynh bị cưỡng ép mua, còn trẻ con thì đọc toét cả mắt… Hậu quả là lũng đoạn thị trường giáo dục, còn khủng khiếp hơn cả trong ngành ngân hàng và buôn vũ khí!

Đối với Việt Nam, rào cản lớn nhất cho những cuộc cách mạng về giáo dục từ khu vực tư nhân là việc cơ quan quản lý giáo dục toàn dùng những nhận định, tiêu chí đầy “định tính” thay vì “định lượng” để quản lý. Còn cái dở nhất trong kinh doanh giáo dục ở Việt Nam là việc ép bán những sản phẩm giáo dục không chất lượng nhưng lợi dụng nỗi sợ hãi, lo lắng nhất, sâu thẳm nhất của cha mẹ học sinh: tương lai con cái mình.

Tiêu chí đầy định tính dựng nên hàng rào với bất cứ nỗ lực, đề xuất nào nhằm cải cách giáo dục. Những phản hồi hời hợt vì cảm tính như “không phù hợp với mục đích giáo dục” hay “không đúng với văn hoá, tư duy người Việt”, trong khi thiếu sự nghiên cứu và đánh giá một cách nghiêm túc các đề xuất, chính là nguyên nhân mãi không có sáng kiến vượt bậc nào được thông qua cả.

Cha mẹ Việt Nam, hầu như ai cũng sợ con không được học hành đến nơi đến chốn nên loanh quanh đấu tranh, nhưng cuối cùng vẫn “Ừ!” tất. Chỉ cần cô/thầy bảo chương trình này tốt nhưng đắt tý thì về vẫn bấm bụng, nghiến răng mà trả tiền cho con học. Dư luận kháo rằng trường này hay thì cũng cuống lên xếp hàng và đi cửa sau để con vào được; mấy bộ sách điện tử thì mua đại cho xong. Đại học dởm, chương trình không kiểm định, chỉ vì cái mác “có tiếng”, cha mẹ cũng nộp hồ sơ để con học cho “oai”… Sợ mất cơ hội thì lại ân hận.

Sự lũng đoạn sẽ càng ngày lan rộng, âu vì sự sợ hãi của phụ huynh, sự mù mờ do chính các cơ quan quản lý giáo dục đặt ra. Nếu sản phẩm tệ, ở thị trường khác điển hình như tài chính hay điện máy thì dân đã tẩy chay ngay, nào có được bán hay tiếp tục dịch vụ ở trường được.

Tóm lại, là một người mang nghiệp giáo dục, tôi thiết tha mong Nhà nước cứng rắn thay đổi phương pháp tiếp nhận, có quy trình đánh giá công minh và sáng suốt cho những đề xuất thực sự chất lượng. Bài trừ sự lũng đoạn thị trường của những công ty giáo dục vô lương tâm; mở cửa cho những chương trình cải cách đột phá phát huy giá trị giáo dục chân chính, và có ý nghĩa thực sự đến học sinh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s