Trong bữa tiệc chiêu đãi ngài TBT Nguyễn Phú Trọng, ông Phó TT Mỹ Joe Biden có kết bằng câu lẩy Kiều:
“Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”
Tự nhiên mình lại có mấy suy nghĩ vu vơ sau. Viết đầy suy diễn, bà con thông cảm nhé.
Ngài Phó TT chắc nghĩ người Việt rất tự hào về truyện Kiều nên bộ sậu của ông mới tìm cách lẩy Kiều để làm đẹp lòng bác Trọng và người dân Việt Nam. Ấy thế nhưng còn bao nhiêu người Việt biết chuyện Kiều nữa. Truyện Kiều liệu có còn là niềm tự hào của người Việt Nam, đặc biệt là với thế hệ trẻ? Số bạn trẻ bây giờ nhắc đến truyện Kiều, hiểu về truyện Kiều chắc là vô cùng nhỏ, chưa nói đến việc có thể lẩy Kiều. Vậy đem Kiều ra mà lẩy chắc chỉ làm lớp người xưa cũ hạnh phúc và tự hào chứ chắc gì bọn trẻ con đã biết. Vì đâu nên nỗi này? Nền giáo dục giáo điều, học thuộc lòng, cứng nhắc, khô khan đã biến việc học Kiều thành một gánh nặng cho lũ trẻ. Lời hay ý đẹp đâu chả thấy. Chỉ thấy khiên cưỡng và mệt mỏi khi các cháu phải học Kiều. Ai chịu trách nhiệm về việc này? Ông Bộ Giáo Dục ơi!
(Dù sao cũng phải cảm ơn ông Biden. Vì ông mà trong mấy ngày tới hy vọng sẽ có thêm vài trăm/ngàn người tìm lại về truyện Kiều. Biết đâu lại có phong trào học lẩy Kiều)
Thứ hai, điều trớ trêu và cay đắng là truyện Kiều cũng có nguồn gốc từ Tàu (Trung Quốc). Cụ Nguyễn Du diễn nôm và Việt hoá (một phần) “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu mà ra một kiệt tác văn chương cho người Việt. Vậy là, trong cái ngày có thể gọi là một trong những ngày quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam gần đây, khi mà Việt Nam xích lại gần Mỹ nhất, gần với phương Tây nhất, thì vẫn có hơi hướng, bóng dáng của ông Tàu. Chúng ta có vùng vẫy mấy cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của ông Tàu. Ông Biden chắc không có ý đó, nhưng mình ngẫm thì thấy xót xa. Ảnh hưởng Tàu như một bóng ma, cứ lởn vởn suốt trong tâm trí và đời sống con dân Việt. Muốn thoát Trung xem ra còn khó lắm. Vậy nên khi biết ông Biden lẩy Kiều, mình cũng thấy: “Rằng hay thì thật là hay; Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.
Điều thứ ba, không biết ông Biden và bộ sậu có biết là truyện Kiều viết về cuộc đời của một cô gái “làng chơi”, nói cách thô tục có nghĩa là một cô gái “điếm” không? Việc này khiến tôi liên tưởng đến thân phận đất nước Việt nam của tôi. Cũng không khác gì một cô điếm. Khổ ơi là khổ. Suốt đời phải làm vừa lòng những thằng lớn nhưng lại không lấy nổi thằng nào cả. Chúng ta chưa bao giờ thuỷ chung (được) với ai. Ở với Trung Quốc thì vừa ghét lại vừa sợ. Hàng nghìn năm qua vẫn không thoát được bóng thiên triều. Sợ nhiều đến nỗi sợ vu vơ, sợ cả bóng cả gió. Liên kết với Liên Bang Nga thì cũng không son sắt và cũng không mạnh mẽ. Mà ông Nga thì cũng coi cô Việt Nam chả ra gì. Sẵn sàng đá đít và bán đứng vì quyền lợi dân tộc.
Muốn thân với Nhật thì nơm nớp sợ ông Trung Quốc không hài lòng. Bao nhiêu tiền viện trợ ODA thì chăm chăm cướp xén đòi hối lộ; thân tình thì ít, lợi dụng thì nhiều. Có ông bạn thân từ xưa, giống cảnh ngộ là ông Ấn Độ thì thâm tâm luôn coi người ta là mọi, thấp kém hơn mình nên để mặc báo chí chả viết được cái gì hay về Ấn Độ ngoài chuyện hiếp dâm vì đàn ông xứ cà-ri luôn luôn động đực. Rất thích Mỹ nhưng hơi tý thì chửi nó là kẻ thù cũ. Có cái bài diễn văn quan trọng nào trong các lần các nhà lãnh đạo Việt Nam mỗi khi gặp Mỹ mà không nhắc đến chữ kẻ thù không? Từ diễn văn của cụ Phiêu kể lể so sánh cô bé Emily con của một người tự thiêu với thiên kim tiểu thư Chelsea Clinton, đến bài diễn văn sau 40 năm, cụ Trọng cũng lại nhắc tới từ “cựu thù”. Dường như các cụ sợ nếu không nhắc đến “kẻ thù” thì về sẽ rắc rối to?
Đấy, có khác gì một cô gái “điếm” không. Ai cũng làm thân, cũng ngủ nhưng chả lấy được ai. Một người mà không thân với ai, ai cũng quen cũng biết, nhưng không thật lòng thì chắc sẽ chẳng có bạn thân, và sẽ chẳng có ai sống chết vì mình hết. Một chính sách đối ngoại mà luôn luôn nửa vời và không có sự cam kết chặt chẽ thì khi chuyện xảy ra cũng khó có nước nào đứng ra bảo vệ. Tôi chưa bao giờ hiểu nổi cái chính sách “không liên kết, không liên minh” mà chính phủ Việt Nam luôn luôn theo đuổi cả.
Và cuối cùng, câu trích Kiều này được lấy trong đoạn kết khi Kiều sau 15 năm lưu lạc gặp lại Kim Trọng. Đây là lời của Kim Trọng trân trọng, biện hộ cho nàng, rằng muốn tái hợp với nàng Kiều cho dù quá khứ nàng có thế nào đi chăng nữa. Chuyện này là gần như không thể trong nền văn hóa cũ kỹ của Tàu ngày xưa, nên các nhà phê bình văn học luôn nói cái kết này vô cùng khiên cưỡng. Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo trên cũng có một chút nghi kỵ, khiên cưỡng như vậy.
Nhưng thôi, kể từ lúc cụ Hồ gặp nhóm tình báo chiến lược OSS của Hoa Kỳ, viết thư gửi tổng thống Truman vào những 1945-46 mà không được, đến cuộc hạnh ngộ giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất bây giờ, cho dù vẫn còn gượng gạo thì cũng mong đây là một trong những sự khởi đầu tái hợp tốt đẹp của cô gái Việt Nam với chàng trai Mỹ sau bao nhiêu năm (40 năm hay là 85 năm?) phiêu du lưu lạc đầy bất hạnh của dân tộc này.