Học vừa thôi!

Đợt Tết vừa rồi, thảnh thơi nói chuyện với bạn bè về chuyện học của các cháu, tôi phát hoảng lên khi thấy các con vẫn học thêm văn hóa quá nhiều. Học chính khoá xong về nhà nghỉ được chút rồi lại đi học thêm đến 8-9h tối, có hôm đến 2h sáng mà chưa xong. Tết cũng phải làm bài. Mà liên miên cả tuần như thế!

Hỏi chuyện mới thấy, các bố mẹ có những nỗi sợ và ám ảnh đến mù quáng về chuyện học. Không học thêm do cô tổ chức thì cô buồn. Không học thêm thì điểm không bằng các bạn “vì đứa nào cũng học thế”. Không học thêm thì không tốt nghiệp được THPT, không vào nổi đại học. Một tỷ những lý do (có vẻ rất chính đáng).

Tôi sẽ không cho con mình học thêm văn hoá nhiều như thế vì các lý do sau.

Ngày trước các cháu phải học thêm vì để vào các trường ĐH lớn vì những trường đấy có học phí thấp và uy tín khá tốt, có lợi cho chuyện xin việc sau này. Những điều này sẽ không còn đúng nữa.

Thứ nhất là với cách thi trắc nghiệm hiện giờ và theo thống kê hàng năm, xác suất thi trượt phổ thông là vô cùng thấp, đặc biệt là ở nội thành. Tỷ lệ tốt nghiệp rất cao, thường trên 90-95%. Do vậy, việc gì phải học thêm quá nhiều làm gì cho mệt?

Hiện giờ vào đại học không phải là chuyện quá khó. Chỉ có một số trường ĐH có đầu vào khá cao như ĐH Ngoại Thương, Bách Khoa, một số khoa của Đại học Quốc Gia, An ninh, Quân đội mới đòi điểm cao. (Nhưng tôi chưa bao giờ đánh giá cao giáo trình và chất lượng đào tạo của những trường này, nhân tiện đây). Còn lại với số lượng trường ĐH, cao đẳng nhiều như hiện nay thì hoàn toàn không khó để vào các chương trình tốt với điểm tốt nghiệp phổ thông vừa phải.

Thứ hai, chỉ trong một thời gian rất ngắn thôi tiêu chí nhận vào đại học ở VN sẽ thay đổi đáng kể. Điều kiện vào ĐH sẽ không phụ thuộc quá nhiều chỉ vào điểm số nữa mà nhiều thứ khác giống như các trường ĐH nước ngoài, ví dụ hoạt động ngoại khoá, công tác xã hội, kỹ năng lãnh đạo, cộng đồng, thành tích thể thao.

Các trường ĐH tốt sẽ muốn nhận những sinh viên toàn diện hơn là những sinh viên chỉ biết học. Vì những sinh viên toàn diện có xác suất thành công trong học vấn và làm việc cao hơn rất nhiều so với những bạn chỉ biết học. Những người chơi thể thao sẽ có tính cạnh tranh hơn và có xu hướng hoàn thiện mình hơn. Việc vừa học vừa chơi thể thao cũng cho thấy họ có khả năng quản lý thời gian tốt. Những người có kỹ năng xã hội, lãnh đạo, hoạt động cộng đồng tốt cũng là những người có năng lực làm việc nhóm, lãnh đạo và giải quyết vấn đề tốt trong tổ chức sau này.

Tôi có quen một bạn trẻ. Bạn được học bổng để chơi golf ở một trường ĐH bên Mỹ. Bạn kể rằng, để duy trì học bổng, bạn phải đạt mức GPA không dưới 3.0 (loại khá), nhưng vẫn phải duy trì được việc tập luyện để thi đấu thường xuyên cho trường ĐH. Bạn phải làm việc và học gần như gấp đôi so với người khác. Sáng sớm phải tập golf và thể lực, trong ngày học văn hóa. Một năm tham gia hàng chục cuộc thi golf cho đội tuyển trường. Thế mà bạn vẫn tốt nghiệp loại khá và là một trong những golfer nữ giỏi nhất Việt Nam.

Ở Broward College VN có một bạn được học bổng. Điểm nhập học của bạn bình thường nhưng bạn là một MC và ca sĩ trên truyền hình. Nhìn cách bạn phân chia công việc ở trường và ngoài đời thì tôi cũng phải nể. Sáng đi học, chiều làm MC, tối đi làm ca sĩ. Thế mà bạn vẫn có thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá cho trường rất đều đặn.

Những bạn như thế này sau khi tốt nghiệp, tôi chắc chắn rằng sẽ thành công và đi xa hơn những bạn chỉ biết học.

Thứ ba, việc các trường ĐH được tự chủ trong việc tuyển sinh sẽ làm thay đổi đáng kể điều kiện đầu vào. Tôi tin chắc rằng để nâng cao chất lượng đầu vào và đầu ra, các trường ĐH tốt sẽ dựa cả vào các tiêu chí ngoài học thuật như đã nói ở trên để tuyển sinh và nâng cao chất lượng đầu vào.

(Tôi đánh giá việc giao cho các trường ĐH quyền tự chủ trong tuyển sinh là một việc làm cách mạng của Bộ GDĐT)

Thứ tư, mức học phí tại các trường ĐH công sẽ gần sát với mức học phí các trường tư. Phần lớn các trường ĐH công sẽ phải tự chủ thu chi và được quyền tăng học phí gần mức thị trường. Do vậy, động lực vào trường ĐH công để có chi phí thấp sẽ không còn nhiều nữa. Các bạn trẻ chả việc gì phải đâm đầu bằng được vào các trường công chất lượng bình thường.

Chất lượng giáo dục tại các trường ĐH sẽ ngày càng cao để cạnh tranh. Các trường ĐH, đặc biệt là trường tư, vì lý do sinh tồn sẽ ngày càng cải thiện chất lượng giáo dục và làm mọi cách để bảo đảm đầu ra cho sinh viên. Các chương trình liên kết quốc tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và thực hành ở các trường tư.

Nếu phải chọn lựa vào một trường công bảo thủ, học phí cao với một chương trình quốc tế chất lượng cao được kiểm định của đại học tư với mức học phí tương đương thì bạn sẽ chọn trường nào?

(Năm trước theo khảo sát ở Cao đẳng Việt Mỹ và ĐH Broward, trong hơn 500 sinh viên nhập học chương trình chất lượng cao của trường thì có gần 1/3 là sinh viên chuyển từ các trường (chủ yếu là trường công) sang vì vỡ mộng với chất lượng và môi trường đào tạo).

(Xu hướng này cũng sẽ giống như ở khối phổ thông. Trước đây người ta chen nhau học trường công điểm/nổi tiếng. Bây giờ, những gia đình có điều kiện đều chọn cho con học trường tư. )

Và điều cuối cùng quan trọng nhất, theo tôi, là để có xác suất thành công cao trong cuộc đời, bạn cần được trang bị nhiều thứ ngoài việc học: giao tiếp, xã hội, kiến thức chung, âm nhạc, nghệ thuật, thể thao, kỹ năng quản lý thời gian, lãnh đạo, ngoại ngữ v.v. Thời gian phổ thông là thời gian nhiều nhất còn lại để các bạn có thể làm được điều đó một cách bài bản và nghiêm túc. Thời sinh viên và đi làm bạn sẽ bận không còn chút thời gian nào cả.

Cứ nghĩ xem, ai sẽ thành công hơn? Một bạn trẻ biết ăn mặc, viết lách rõ ràng, trình bày gãy gọn, có khả năng tổ chức. Bạn biết hát, biết nhảy để có thể hòa mình vào các cuộc vui và networking. Bạn chơi thể thao khá tốt nên đồng nghiệp luôn rủ bạn chơi cùng. Vì chơi thể thao nên bạn luôn có sức khỏe và biết giải trí giảm căng thẳng. Bạn hiểu biết nhiều (vì thời phổ thông bạn được trải nghiệm nhiều, nghịch nhiều) nên bạn có thể bắt nhịp với bất cứ cuộc meeting nào.

Trong khi đó, hãy xem một bạn: Bạn chỉ biết học. Hồi phổ thông và đại học bạn không chơi một môn thể thao nào tử tế nên sức khoẻ của bạn rất bình thường và cũng không biết làm gì cho bớt stress. Bạn chưa bao giờ được dạy cách ăn mặc cho tử tế và được giao tiếp nhiều nên bạn rất vụng về khi gặp đám đông. Bạn chưa bao giờ có thời gian (và được khuyến khích từ bố mẹ) để chăm chút ngoại hình của mình nên bạn rất dễ tự ti. Bạn cũng chưa từng chơi một nhạc cụ nào nên làm sao bạn là trung tâm của sự chú ý?Ai sẽ có khởi điểm tốt hơn? Ai sẽ khoẻ hơn để đua chặng đua cuộc đời?

Ai sẽ có nhiều bạn hơn? Trong công việc, ai sẽ “networking” tốt hơn và có nhiều người giúp đỡ nhanh hơn khi có khó khăn? (Và ai sẽ có nhiều người yêu hơn, để bố mẹ không phải ca: học giỏi thế mà lận đận?) Và ai sẽ có xác suất thành công cao hơn?

Đơn giản thế thôi mà sao cha mẹ không hiểu? Sao cứ ấn con vào vòng xoáy học đến mụ mẫm? Để rồi sau này trách con không thành đạt?

Chúng ta phải tự trách mình vì những năm tháng quan trọng nhất của con mình, chúng ta đã bỏ lỡ không đào tạo con toàn diện hơn. Thay vào đó, chúng ta mê muội tìm cách nhét vào đầu con những giáo lý vô bổ, những phương trình vô nghĩa, những đoạn văn sáo rỗng. Đáng ra con chúng ta có thể biết đàn, biết hát, biết nấu ăn, biết chơi bóng rổ, biết đọc các tác phẩm nổi tiếng, biết bắt chuyện với người mới quen, biết giải quyết xung đột (và có rất nhiều người yêu).

Năm mới, mong và chúc chúng ta đủ can đảm vượt qua nỗi sợ hãi vô lý của mình để con “bớt học đi”, “chơi nhiều hơn”.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s