Tôi có lần uống cafe làm việc với một đại gia. Anh là CEO và cổ đông lớn của một tập đoàn nổi tiếng. Trong lúc nói chuyện thì con trai anh có đến. Bạn ấy mới tốt nghiệp đại học, bắt đầu theo cha làm ăn. Lúc đến công việc, anh bảo tôi có gì làm việc với con trai anh. Và anh buột miệng bảo con: “này, thế con cho in cái card nhé. Mà in luôn chức danh con là Phó Tổng giám đốc đi”. Tôi nín lặng, sững sờ. Trời đất, cái chức Phó tổng sao đến dễ dàng quá. Từ đó tôi ngại ngại không làm việc với anh nữa. Nếu anh ban phát chức tước dễ thế thì làm sao con anh có động lực phấn đấu, làm sao nhân viên ngoài không phải con anh có khao khát vươn lên nữa?
Chính trường cũng thế, dòng dõi chỉ là bước khởi đầu, là cánh cửa để tiếp cận chứ không thể là công thức thành công được. Bản lĩnh và năng lực chính trị mà không qua thử thách, tôi luyện thì chắc chắn có ngày vỡ trận. Không thể bơm đu đủ mà thành lãnh tụ hay CEO được. Lãnh đạo là cái mà bạn “phải xứng đáng có” (earned), chứ không bao giờ là cái “nghiễm nhiên mà có” (taken for granted).
Trong tâm lý, thể thao học có cái “expert performance theory” là lý thuyết về hiệu suất làm việc đỉnh cao. Lý thuyết này cho rằng, “kỹ năng” chỉ được hình thành thông qua những “trải nghiệm lớn”. Nói đơn giản là nếu không rèn luyện, tìm tòi, vật vã thì không có cách gì thành tài được. Để giải thích điều đó không có gì khó cả: não của chúng ta đã tiến hoá hàng triệu năm để sinh tồn. Và để sinh tồn, não chỉ ghi nhớ những cái gì có tác động mạnh đến chúng ta: những trải nghiệm, kinh nghiệm lớn. Kỹ năng chính là những gì não bắt buộc phải ghi nhớ lâu.
Tôi chưa bao giờ tin vào chuyện trao đặc quyền đặc lợi cho người thân. Nếu có tài sản và địa vị lớn tôi cũng sẽ không bao giờ cho các con hay họ hàng đặc quyền gì. Cái duy nhất tôi sẵn sàng làm, nếu có điều kiện, là đầu tư vào giáo dục cho bọn trẻ. Còn lại thì chả có lý do gì mà chỉ vì con là con của bố/mẹ mà con được hưởng tài sản và đặc quyền hơn người khác. Lý do cùng dòng máu mà được hưởng đặc quyền là lý do rất vớ vẩn và có hại cho chính người được hưởng.
Nếu các bạn ấy không vật lộn, vất vả và rèn luyện để đạt được thành công, thì chắc chắn thành công và thành đạt ấy sẽ ra đi rất nhanh. Điều đó là chân lý. Vì những “kỹ năng” để thành công đấy không được hình thành nếu các bạn ấy có được đặc quyền đặc lợi một cách quá dễ dàng. Và khi kinh nghiệm kinh doanh, làm chính trị không đủ và “hằn sâu” trong não thành “bản lĩnh” và “tài năng” thì họ sẽ không thể duy trì được những đặc quyền đặc lợi ấy về dài hạn.
Nhân chuyện dâu bể về chính trị và đại gia ngân hàng vừa qua, tôi nhớ về hai lời dặn. Một là của cha tôi: “dễ đến, dễ đi” (easy comes, easy goes) . Tôi nghiệm những chuyện xảy ra gần đây, thấy điều cụ dạy vô cùng đúng. Lời dặn thứ hai là của một ông bạn tôi, người nước ngoài, từng làm CEO của một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Anh ấy luôn nhắc tôi: mày nhớ nhé, ở xã hội châu Á, có ba thứ sẽ không bao giờ đi cùng với nhau: Quyền lực chính trị, sự giàu có, và sự tôn trọng. Mày phấn đấu để có một thứ không quá khó. Có hai thứ là vô cùng khó. Còn nếu lúc nào mày nghĩ mày có cả ba thứ: quyền lực chính trị, giàu có, và sự tôn trọng của thiên hạ, là lúc đó mày chuẩn bị “lên đường”, vào tù hoặc sắp sửa mất tất cả.
Tóm lại, đã làm chính trị gia thì đừng kiếm chác mong giàu. Mà vừa giàu lại vừa làm chính trị gia thì đừng mong được tôn trọng vì bạn sẽ phải thoả hiệp rất nhiều. Làm doanh nhân mà nổi tiếng thì đã là quá đủ. Đừng dây vào chính trị làm gì. Mất sạch có ngày. Thương trường khó đến mấy cũng không thủ đoạn và gió tanh mưa máu bằng chính trường.