Tôi không được học ở trường Thực Nghiệm và cũng không phải là nhà giáo dục học, ngôn ngữ học, nên tôi chịu không biết phương pháp dạy đọc/phát âm của cụ Đại sai hay đúng. Mấy tuần nay tôi có đọc khá nhiều cách trả lời, chia sẻ của những người học và làm liên quan đến “trường thực nghiệm” và “công nghệ giáo dục”, và tôi phát hiện một số điều làm tôi thấy xấu hổ vô cùng.
Nếu bỏ các từ “Thực Nghiệm” hay “Công Nghệ Giáo Dục” đi, mà đọc kỹ thêm về triết lý của họ, xem các phỏng vấn của người trong cuộc, bạn sẽ thấy một số điểm sau là đặc thù của trường “Thực Nghiệm”:
1. Đi học là phải vui, phải hạnh phúc (Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui);
2. Không áp đặt suy nghĩ lên học sinh (thầy khen con không phải là vì thầy “thích con” mà có khi là thầy “thích mẹ”);
3. Học sinh được học cách tiếp cận khác biệt (ví dụ như học về hệ nhị phân trước khi học về hệ thập phân);
4. Học sinh được khuyến khích đọc sách văn học sớm (đọc “Kiều”, Hugo, Balzac chẳng hạn);
5. Học sinh được khuyến khích nghĩ khác biệt (ví dụ: làm những điều mình thích, đam mê. “Vặn ốc vít” mà hạnh phúc thì vẫn hơn tiến sĩ mà dằn vặt trầm cảm);
6. Học bằng cách trải nghiệm thay vì học vẹt (ví dụ, nhập vai kẻ “ác” khi đóng kịch để hiểu được nội tâm của kẻ “ác” );
7. Học đủ ở trường để về nhà bớt học (Cụ Đại có nói là phương pháp CNGD cần dạy bởi giáo viên. Bố mẹ không biết thì không thể dạy được nên không cần học ở nhà);
8. Không chấm điểm, không xếp hạng học sinh (tiểu học) (Cái này thì tiến bộ vượt bậc. Đến giờ mà người ta vẫn còn tranh cãi).
Bạn thấy có quen không? Có thấy tiến bộ không? Bạn có thích và muốn con mình được học như thế không? Tôi thì tôi rất muốn và luôn cố gắng cho con mình được học trong môi trường nhân văn như thế.
Đây chính là triết lý giáo dục “nghệ thuật khai phóng” (liberal arts) mà các trường đại học ở Mỹ và trên thế giới đang theo đuổi. Các trường quốc tế cũng có dạy khác gì đâu?(Tôi thấy xấu hổ vì xin thú thực là đến giờ tôi vẫn chưa làm nổi đối với các con tôi những điều này. Tôi vẫn bị vợ mắng thường xuyên vì nói hay hơn dạy con).
Tôi thấy xấu hổ vì hoá ra từ 40 năm nay người ta đã theo đuổi triết lý này rồi mà đến giờ vẫn không làm đại trà. Phải chăng chúng ta mông muội nên giờ vẫn chỉ dám gọi là “thực nghiệm”? Phải chăng chúng ta quá bảo thủ và sợ sai nên không dám phổ biến mà chỉ dám sử dụng từ “thực nghiệm” để đưa một mô hình tiến bộ như thế.
Nếu là tôi thì tôi sẽ cảm ơn ông Phạm Vũ Luận, nguyên bộ trưởng Bộ GD ĐT đã phải lách luật để cho phép triển khai mô hình này. Mà nhân tiện đây, rất nhiều thứ tiến bộ trong giáo dục ở Việt Nam đều phải dùng từ “thí điểm” vì dây với “đổi mới giáo dục” là “năm cha ba mẹ” vào phán, nên việc này là tự sát về chính trị vì nó không như xây nhà, làm đường. Các cụ, các ông/bà, đừng lên án Bộ GDĐT là bảo thủ quá. Họ có muốn cũng chả dám làm mạnh nếu cứ hơi tí bị chửi thế này.
Tôi thấy xấu hổ vì xã hội chúng ta vẫn sẵn sàng dày vò và tẩn không thương tiếc những thay đổi và khác biệt; vì nhiều người chúng ta vẫn tranh luận theo kiểu “bỏ bóng, đá người” một cách đầy cảm tính. Và hoá ra cũng không mấy ai trong những người lãnh đạo lại dám đứng lên bảo vệ cái hay, cái tiến bộ.
Và điều xấu hổ cuối cùng là tôi thấy nhiều lãnh đạo, quản lý nhà ta “dốt” thật. Có nhiều kẻ lãnh đạo, quản lý lợi dụng vụ này để tăng uy tín mình bằng cách dìm hàng mô hình giáo dục này một cách thiếu hiểu biết (phát biểu mà không biết đang phát biểu cái gì), vô cùng hồ đồ. Họ đã vô tình (hay cố ý) cản trở sự tiến bộ của giáo dục và của nhận thức xã hội. (Vì tôn trọng họ, tôi không nêu cụ thể ví dụ ở đây.) Các cụ nói rồi, “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Sao họ không biết đường hỏi chuyên viên, nhà nghiên cứu trước khi phát ngôn nhỉ? Họ có nhận thức được mức độ quan trọng qua mỗi phát ngôn của mình không hay chỉ nói cho “sướng mồm”?
Cá nhân tôi mong có nhiều trường thực nghiệm trên cả nước với triết lý giáo dục như trên. Kể ra mà làm đại trà luôn và thay luôn cái “phổ thông” hiện giờ thì tốt nhất. (Còn phương pháp hay/dở, khoa học thế nào nào tôi không tranh luận nhé). Chỉ riêng triết lý của những người làm Thực nghiệm là đủ cho tôi kính trọng rồi.