Đằng sau “cơn sốt” M&A đại học tư

Gần đây thị trường ghi nhận nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) trường đại học tư.

Hiện nay, bên cạnh vấn đề trình tự, thủ tục, thì điều kiện để được phép thành lập một trường đại học tư thục ở Việt Nam rất khó. Nghị định 46/2017 yêu cầu nhà đầu tư phải có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 5 héc ta và có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỉ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường).

Đó là điều kiện “không tưởng” đối với phần lớn nhà đầu tư, có tiền hay không có tiền cũng vậy. Các nhà quản lý cho rằng quy định như vậy là để cho các nhà đầu tư bài bản vào, nhưng đầu tư có bài bản hay không thì người ta cũng phải liệu cơm gắp mắm tùy từng thời kỳ hoạt động của trường. Đồng thời thủ tục và hồ sơ xin giấy phép mở một trường đại học mới cũng vô cùng phức tạp và lâu, có thể không dưới 5-10 năm cho một giấy phép một trường đại học (cứ nhìn câu chuyện giấy phép Đại học Fulbright thì biết). Chính vì thế nên bây giờ ai muốn đầu tư vào đại học thì phải nghĩ đến chuyện mua lại giấy phép bằng cách M&A.

Vì sao gần đây nhiều nhà đầu tư lại nhảy vào lĩnh vực giáo dục đại học. Liệu đại học tư có là con gà đẻ trứng vàng?

Nhiều người nhìn nhận giáo dục như một ngành siêu lợi nhuận. Đây là cách nhìn của người ngoại đạo và tay mơ. Nếu làm giáo dục đúng nghĩa thì nó chưa bao giờ là ngành siêu lợi nhuận cả. Giáo dục chỉ có một lợi thế là khi có thương hiệu rồi thì nhà đầu tư không phải bỏ vốn (lưu động), nghĩa là được thu tiền học phí của sinh viên trước, do vậy có dòng tiền ổn định.

Nếu đạt được quy mô 10.000 sinh viên trở lên, với mức học phí khoảng 2.000 đô la Mỹ/năm, doanh thu sẽ khá lớn, hơn 20 triệu đô la một năm. Trường nào thành lập lâu năm, có thương hiệu, có cơ sở vật chất, có nhiều khoa, thì có thể đạt đến quy mô này, như vậy biên lợi nhuận khoảng 8-10%/năm là sẽ ổn về mặt tài chính. Nhưng hiện nay không có nhiều trường như vậy.

Thời mà Nhà nước chưa siết chặt việc thành lập đại học mới như hiện nay, trường nổi tiếng như RMIT cũng phải hơn chục năm mới bắt đầu có lãi. Bây giờ thì chi phí cho một trường đại học đã cực kỳ tốn kém, từ đất đai, cơ sở hạ tầng, nhân sự giảng dạy, trang thiết bị máy móc cho các khoa. Nếu muốn làm bài bản, chất lượng cao với tầm nhìn dài hạn thì đầu tư vào đại học hoàn toàn không có lợi hơn đầu tư vào các ngành kinh doanh khác chút nào. Chính vì thế nên trên thế giới người ta mới khuyến khích mô hình phi lợi nhuận, hoặc khuyến khích các nhà tư bản cho tiền các trường đại học.

Mà đầu tư đại học không chỉ khó chuyện tiền vốn. Đã đủ tiền rồi thì nó khó tiếp từ khâu tìm cho được hiệu trưởng phù hợp với quy định của cơ quan quản lý, xây dựng được đội ngũ giảng dạy có trình độ và ổn định. Ban lãnh đạo cũng phải chấp nhận hoạt động theo định hướng vì lợi nhuận. Hiệu trưởng một đại học công đi làm việc ấy ở đại học tư sẽ rất khác. Quá trình chuyển đổi rất phức tạp, triết lý giáo dục khác nhau, quan điểm giáo dục khác nhau, quan điểm kinh doanh khác nhau. Hiệu trưởng trường công là người có quyền lực cao nhất, nhưng ở trường tư thì ông/bà chủ mới là người có quyền cao nhất.

Nếu thế thì nên hiểu như thế nào về các quyết định đầu tư hiện nay?

Các nhà đầu tư nhìn triển vọng thị trường từ tâm lý sính bằng cấp của người Việt Nam: ai cũng muốn có bằng đại học. Chỉ cần có bằng là được, không cần biết là chất lượng đến đâu. Đồng thời, việc vào trường đại học quốc tế hoặc đại học công tốt vẫn không hề dễ do chuẩn đầu vào cao và hạn chế về số lượng, hoặc chi phí rất lớn. Do vậy, các trường đại học tư vẫn tuyển sinh tốt vì họ đáp ứng được nhu cầu chuộng bằng cấp của người Việt chúng ta.

Không phủ nhận chất lượng đào tạo của một số đại học tư tốt hơn so với trước đây, nhưng nói thẳng, rất nhiều các đại học tư hiện nay ra đời đóng vai trò là “nhà máy sản xuất bằng” để “phổ cập bằng đại học” với chất lượng rất thấp. Cho nên bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều cử nhân đại học đi làm phục vụ bàn, làm vác gậy sân golf (caddy), bán hàng, bán bảo hiểm, tiếp tân, những việc mà không cần đến bốn năm đại học cũng có thể làm được. Có rất nhiều cử nhân đại học, kể cả tư lẫn công, tốt nghiệp mà không giao tiếp nổi bằng tiếng Anh một cách đơn giản, không viết được một văn bản cho đến đầu đến đũa, không có những kỹ năng xã hội đơn giản để có thể đi làm hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng kỳ vọng có thể lợi dụng kẽ hở của chính sách để có đất với giá rẻ. Nếu được đất dù là cho mục đích giáo dục thì sau này sẽ có cơ hội chuyển thành đất dân dụng bởi nhiều cách khác nhau như mượn danh nghĩa xây căn hộ ký túc xá hay tòa nhà văn phòng đại học – thực ra là trụ sở công ty nếu trường rơi vào tay chỉ một ông chủ nào đó. Rất nhiều người xưa tranh thủ xin được đất nhưng không tổ chức giảng dạy tốt được. Có biết bao nhiêu trường đại học tư ra đời mà có tiền xây cơ sở vật chất đâu, họ chỉ việc nắm đất đai rồi chờ một người mua nào đó với giá hàng chục hàng trăm tỉ đồng.

Làn sóng M&A đại học tư sẽ đi tới đâu?

– Quan điểm của tôi, làn sóng hiện nay chỉ là cơn sốt nóng, nhất thời, cảm tính. Thật ra thì số lượng nhà đầu tư nhảy vào cũng không phải là nhiều, tập trung ở một số rất ít nhóm, nên coi đó là hiện tượng sẽ hợp lý hơn. Theo tôi, chúng ta đang chứng kiến trạng thái “bong bóng trường đại học”, “bong bóng giáo dục” như bong bóng chứng khoán trước đây vậy, với việc giá các thương vụ M&A được đẩy lên quá cao so với giá trị thật và khả năng sinh lời thực tế. Chính việc siết chặt điều kiện cấp giấy phép thành lập trường đại học tư, siết chặt quá trình nâng cấp các trường cao đẳng lên thành trường đại học đã bơm phồng bong bóng này. Đây là việc rất không nên và hoàn toàn bất lợi cho những nhà đầu tư vào giáo dục nghiêm túc, kể cả những nhà đầu tư lớn nước ngoài có hàng trăm triệu đô la để đầu tư.

Khi doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư nhưng kỳ vọng về lợi nhuận không được đáp ứng thì đến một lúc nào đó nhà đầu tư, cổ đông của doanh nghiệp đó sẽ thất vọng và tạo áp lực lên ban lãnh đạo. Việc bỏ ra hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng để mua và xây lại các trường đại học, trường phổ thông với kỳ vọng sẽ thu được vốn để rồi đổ vỡ toàn diện là câu chuyện kinh điển trong kinh doanh vì không có mô hình kinh doanh giáo dục nào cho phép hoàn vốn nhanh với số tiền đầu tư khủng khiếp như vậy cả.

Thị trường đại học – thị trường bằng cấp sẽ đi tới đâu?

Câu chuyện “bán bằng” như hiện nay sẽ không tiếp tục nữa. Xu hướng mới là không chuộng bằng cấp mới một cách phi lý nữa. Trong một xã hội mở về thông tin như thế này thì người sử dụng lao động, và vì vậy người học sẽ không chấp nhận những tấm bằng nội địa cấp thấp mà phần lớn sẽ đổi sang cần bằng cấp có chất lượng quốc tế, được kiểm định quốc tế. Khi đó, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ tư duy và sự đầu tư của các ông chủ đại học tư hiện nay không theo kịp nhu cầu, mà còn ở chỗ chính sách (Nghị định 86/2018 về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục) không thông thoáng trong việc quản lý sự liên kết giữa các trường trong nước với trường ở nước ngoài để cấp bằng, kiểm định bằng. Câu chuyện đại học sẽ dần dần bị cạnh tranh nhiều hơn nữa khi nhu cầu học trong tương lai là những chứng chỉ nhỏ (micro degree) chứ không phải là bằng cấp đại học. Nhu cầu này sẽ thay đổi cực kỳ nhanh chóng, linh hoạt theo nhu cầu sử dụng lao động.

Nếu không có làn sóng M&A như hiện nay thì các trường đại học tư sẽ như thế nào?

– Các thế hệ cũ sở hữu trường đại học tư ban đầu đã mệt rồi, họ đã làm được như vậy là tốt rồi. Nếu có thể thì cũng nên nhường “mặt trận” lại cho các nhà đầu tư mới có tiềm lực tài chính và khả năng quản trị hơn. Thế nhưng, điều tôi muốn nói và lo ngại là nguy cơ thế hệ nhà đầu tư mới nhìn giáo dục đại học dưới lăng kính siêu lợi nhuận, rồi đầu tư vô tội vạ, dẫn đến kết cục hoặc là biến trường đại học, công ty giáo dục thành nơi “bán bằng” để thu hồi vốn nhanh, hoặc là nhận hậu quả thảm khốc như công ty Educomp một thời nổi tiếng của Ấn Độ. Nhà đầu tư cũ buông, nhà đầu tư mới nhảy vào theo cách chi phí trên trời này thì nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không thể tham gia thị trường được và do đó giáo dục đại học tư nhân sẽ không phát triển được.

Hiện nay, xét tổng thể, đại học tư vẫn là “chiếu dưới” so với đại học công, trừ khi có định hướng bằng cấp quốc tế – điều mà Nghị định 86, dù tiến bộ hơn so với các nghị định trước rất nhiều nhưng vẫn chưa đủ thoáng để thực sự khuyến khích. Để phát triển đại học tư, giảm bớt gánh nặng cho đại học công và khu vực công, các nhà đầu tư giáo dục cần được tạo cơ chế rộng hơn rất nhiều để không bị rơi vào vòng xoáy của cuộc chơi “bong bóng” như hiện nay.

Trả lời phỏng vấn tại báo Kinh tế Sài Gòn: shorturl.at/jvFRT

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s