Hai cuộc chiến

30 tháng 04 hàng năm là ngày kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Không có một gia đình hay người nào ở VN mà không mất người thân. Hàng trăm nghìn người đã bỏ mạng/hy sinh vì cuộc chiến này.

Cuộc chiến tranh Việt Nam (Nam-Bắc) là cuộc chiến có mục đích, có ý nghĩa (không bình luận sai hay đúng), có lý tưởng từ cả hai bên, có ý thức hệ, có lãnh tụ, và khát vọng kết thúc và quyết tâm phải chiến thắng.

Sau 44 năm, cứ tưởng chiến tranh kết thúc ở Việt Nam rồi, bớt khổ đau rồi. Hoá ra chúng ta còn một cuộc chiến khủng khiếp hơn, vô cùng phi nghĩa, và tốn kém hơn rất nhiều. Và không có bất cứ lý tưởng hay ý thức hệ gì hết.

Cuộc chiến này được tạo ra bởi sự dốt nát của đủ hạng người: từ chính khách, quan chức, trí thức, giáo sư, bác sĩ, doanh nhân, dân thường, nông dân, công nhân, bà nội trợ, ông lái xe ôm. Và cũng không có gia đình nào ở Việt Nam mà không có người thân, bạn bè chết trong cuộc chiến này. Mỗi năm, chúng ta có hơn 20 nghìn người chết.

Đó là cuộc chiến với tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông do ma men, bia rượu gây ra.

Mỗi người Việt Nam chúng ta không ai không có bạn bè hay người thân từng bị chết/thương tật nặng về tai nạn giao thông. Tôi cũng có không dưới chục người thân mất và thương tật nặng vì tai nạn giao thông, và trong đó có hai người thân trong gia đình bị thương nặng vì bia rượu và tham gia giao thông.

Một người thì gần như mất trí hoàn toàn, giờ là gánh nặng của vợ con, chỉ sau một đêm đi nhậu ngã và nằm bất tỉnh trên đường. Một người thì đủ thứ thương tật cũng sau một trận nhậu tưng bừng rồi về tông xe. Cả hai người đều là lãnh đạo doanh nghiệp, có trình độ và có học thức. Một cộng sự khác của tôi thì cứ rượu vào là không làm chủ được mình, chửi vung xích chó. Và cuối cùng dù thân đến mấy, chúng tôi cũng phải chia tay nhau.

Tôi đã về Việt Nam được hơn 12 năm, có dịp làm việc, làm ăn, học hỏi, giao lưu với đủ hạng người từ doanh nhân giàu có bậc nhất, chính trị gia hàng đầu, bạn xã hội, bạn thân. Và tôi có thể khẳng định rằng hoàn toàn không cần đến bia rượu mới xây dựng được mối quan hệ thân tình.

Câu cửa miệng của tôi là: “em không uống được nhiều” và “em bị đau dạ dày”. Cho dù bất cứ ai, to đến đâu, bạn cần nhờ vả họ đến đâu, cũng đừng sợ nói ra câu ấy. Bạn cứ nhớ rằng sau ly thứ 3 thì không mấy người còn nhớ gì nữa nên đừng sợ người ta chê cười mình. Và chưa có ai ép tôi uống quá được. Chưa bao giờ!

Nguyên tắc của tôi là cứ lúc nào chén chú chén anh quá lâu là tôi lượn. Đi ra quán trả tiền rồi xin phép về hoặc cứ thế mà về (ko cần xin phép), lấy lý do chóng mặt, say, mệt. Chả ai kêu gì hết vì mấy ông/bà ấy còn bận nhậu, có nhớ gì đâu. Còn nếu không đi được ngày thì kiếm chỗ ở quán mà nằm một lúc rồi biến. Tôi biết nhiều chính trị gia, doanh nhân thành đạt, người trong showbiz đều uống rượu cực kỳ chừng mực. Họ không bao giờ để hình ảnh của mình bị hoen ố vì mấy chai rượu. Và họ biết, chỉ một lần mất kiểm soát thôi là họ sẽ mất hết hình ảnh và sự tôn trọng của nhân viên, bạn bè, vợ con.

Cuộc chiến chống tai nạn giao thông, chống ma men là cuộc chiến sẽ còn lớn hơn chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam kéo dài từ năm 54 đến năm 75. Còn chiến tranh với tệ ma men, với tai nạn giao thông sẽ còn kéo dài hàng chục năm nữa nếu tất cả chúng ta không thay đổi chính sách, nhận thức và thái độ với mối hiểm nguy thường trực này.

Uống nhiều bia rượu không làm chúng ta thành đạt hơn, hạnh phúc hơn, thân nhau hơn. Kẻ say rượu rồi lái xe tiến tới gần đẳng cấp của súc vật và giống loài man rợ hơn là của một con người văn minh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s