Điều quan trọng khi nói về Thực Nghiệm/Công Nghệ Giáo Dục chắc chắn không phải là bộ sách. Cái quan trọng nhất, hay nhất, và đẹp nhất của chương trình Thực Nghiệm/Công Nghệ Giáo Dục (CGD) là triết lý giáo dục. Không phải vô cớ mà phần lớn những người đã từng trải nghiệm với chương trình CGD/Thực nghiệm đều thích và sẵn sàng “lên đồng” mỗi khi chương trình ấy bị tấn công.
Với tôi, những triết lý dưới đây của CGD/Thực Nghiệm đã đi trước xã hội VN thời đó rất nhiều và càng ngày triết lý ấy càng hợp với tư tưởng giáo dục hiện đại. Đây nhé:
1. Đi học là phải vui, phải hạnh phúc (Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui);
2. Không áp đặt suy nghĩ lên học sinh (thầy khen con không phải là vì thầy “thích con” mà có khi là thầy “thích mẹ”);
3. Học sinh được học cách tiếp cận khác biệt (ví dụ như học về hệ nhị phân trước khi học về hệ thập phân);
4. Học sinh được khuyến khích đọc sách văn học sớm (đọc “Kiều”, Hugo, Balzac chẳng hạn);
5. Học sinh được khuyến khích nghĩ khác biệt (ví dụ: làm những điều mình thích, đam mê. “Vặn ốc vít” mà hạnh phúc thì vẫn hơn tiến sĩ mà dằn vặt trầm cảm);
6. Học bằng cách trải nghiệm thay vì học vẹt (ví dụ, nhập vai kẻ “ác” khi đóng kịch để hiểu được nội tâm của kẻ “ác” );
7. Học đủ ở trường để về nhà bớt học (Cụ Đại có nói là phương pháp CGD cần dạy bởi giáo viên. Bố mẹ không biết thì không thể dạy được nên không cần học ở nhà);
8. Không chấm điểm, không xếp hạng học sinh (tiểu học) (Cái này thì tiến bộ vượt bậc. Đến giờ mà người ta vẫn còn tranh cãi).
Đây chính là triết lý giáo dục “nghệ thuật khai phóng” (liberal arts) mà các trường quốc tế, đại học ở Mỹ và trên thế giới đang theo đuổi. Trong khi đại học Broward hay Fulbright ở Vietnam suốt ngày khoe mình dạy liberal arts thì cách đây 40 năm ở VN người ta đã dạy rồi nha (nên mấy trường ĐH Mỹ, hay trường quốc tế, ở Việt Nam đừng tinh vi 🙂)




Vậy nếu bộ giáo trình CGD/Thực Nghiệm bị loại thì còn mô hình trường Thực Nghiệm/CGD nữa không? Tôi thì tin chắc chắn vẫn còn. Và sẽ vẫn còn phát triển mạnh. Với triết lý ấy thì ai chả muốn con mình được học nhỉ? Và triết lý ấy sẽ trở thành triết lý chủ đạo của giáo dục hiện đại.
Nói qua cũng phải nói lại, thực ra thì tôi cũng nghiêng về quan điểm gần với Hội Đồng Thẩm Định Quốc Gia (HĐ TĐQG) rằng: sau 40 năm thì chắc chắn sẽ cần phải thay/sửa rất nhiều chi tiết trong bộ giáo trình ấy, cả về Toán và tiếng Việt. Trộm vía, chứ bộ sách cũ 40 năm không bổ sung, sửa chữa, có hướng dẫn chi tiết thì yêu mấy, tôi cũng không dám cho qua.
(Nhân tiện đây: Cụ Đại và nhóm biên soạn lại bảo thủ không chịu sửa nhưng có cái rất hay là các cụ cũng không chịu đi bảo vệ bản quyền, cho không thiên hạ, nên chúng ta đi sửa cũng không có vấn đề gì khi sửa, phải không ạ?)
Tôi tin rằng những sửa đổi ấy không quá mất thời gian và tôi sẵn sàng đầu tư để chỉnh sửa bộ sách ấy. Các fans của CGD/Thực Nghiệm không việc gì phải lo lắng. Tôi cũng có lòng tin rằng HĐ TĐQG là những người sẽ công tâm khi đánh giá lại bộ sách đã được sửa.
Vậy, cuộc tranh luận về Công Nghệ Giáo Dục (CGD) của nhóm cụ Hồ Ngọc Đại không bao giờ nên là cuộc tranh luận về giáo trình, mà phải là một cuộc tranh luận và đấu tranh để đưa triết lý giáo dục đầy nhân văn và tinh thần khai phóng (liberal arts) của CGD vào giáo dục chính thống.
Chú thích (A):
- Bài có lấy lại ý viết cách đây 1 năm;
- Bạn nào muốn làm lãnh đạo cấp trung trong lĩnh vực giáo dục hoặc muốn sửa lại bộ giáo trình này để được HĐ Thẩm định Quốc gia duyệt thì liên lạc mình nhé. Ai thích làm ở Huế thì càng tốt).
Chú thích (B):
Túm lại, triết lý quan trọng chứ sách không quan trọng. Sách sửa thì cạch phát 03 tháng là xong. Nên đừng nói mãi về sách nữa. Cái chính thì lại không nói)