Các đề xuất hỗ trợ đối với trường tư thục trong giai đoạn Covid-19

Dưới đây là những quan điểm của cá nhân tôi dựa trên tổng hợp các trao đổi về các chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục tư nhân trong giai đoạn Covid.

1. Tìm kiếm cơ chế để thuyết phục hoặc yêu cầu chủ nhà giảm giá thuê nhà xuống một nửa hoặc cho miễn tiền thuê trong giai đoạn này.

Doanh nghiệp giáo dục là doanh nghiệp duy nhất bắt buộc phải đóng cửa hoàn toàn trong thời gian vừa rồi. Do vậy cần có cơ chế ưu đãi và trợ giúp riêng thay vì cào bằng chính sách với các doanh nghiệp khác.

Nhiều người có trao đổi là không nên can thiệp vào quan hệ dân sự giữa chủ nhà và người thuê nhà. Tôi lại nghĩ khác. Đến bây giờ thì không còn tồn tại quan hệ dân sự bình thường. Các trung tâm giáo dục là bắt buộc phải đóng cửa vì mệnh lệnh của chính phủ (cho dù với bất cứ lý do gì liên quan đến sinh mạng con người), nhưng thế thì chả có lý do gì mà không bắt chủ nhà giảm tiền thuê nhà trong thời điểm khẩn cấp này để tránh đổ vỡ hàng loạt. Việc chính phủ can thiệp vào việc thuê nhà cũng chả khác gì việc can thiệp vào đóng cửa hay yêu cầu các công ty phải dừng sản xuất thông thường để tập trung may khẩu trang hay làm máy thở cả.

Xin lưu ý: Chi phí cố định tốn kém nhất của doanh nghiệp giáo dục hiện giờ là tiền thuê địa điểm. Tiền thuê địa điểm chiếm 20-35% chi phí hoạt động của một doanh nghiệp giáo dục. Nếu doanh nghiệp giáo dục bị đổ vỡ thì đây là nguyên nhân chính.

Một số hình thức có thể nghiên cứu:
a) miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thu nhập cá nhân với chủ nhà thuê trong giai đoạn này để họ có thể giảm tiền thuê;
b) đánh thuế thu nhập đặc biệt trong 1 năm tới để chủ nhà có động lực giảm giá thuê nhà;
c) công bố chính thức điều khoản bất khả kháng để toà án không thể phân xử được trong thời gian này, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đàm phán được với chủ cho thuê;
d) Đối với những chủ nhà vay tiền ngân hàng để xây dựng đầu tư hoặc cho thuê làm cơ sở giáo dục hoặc, cần có cơ chế yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất (theo cơ chế của Ngân hàng chính sách phát triển)

2. Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tư nhân nhỏ và vừa vay với lãi suất ưu đãi mà không phải thế chấp tài sản cố định.

Phần lớn các cơ sở giáo dục tư nhân nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp. Chính phủ cần bảo lãnh để các ngân hàng cấp một hạn mức tín dụng nào đó. Có thể tương đương với 10% doanh thu năm trước của cơ sở giáo dục đó. Ví dụ, nếu một cơ sở giáo dục có doanh thu là 50 tỷ/năm thì có thể bảo lãnh để các ngân hàng cho vay không thế chấp tài sản cố định khoảng 5 tỷ trong thời gian tối đa là 18 tháng. Chủ doanh nghiệp có thể phải ký đồng bảo lãnh (nhưng KHÔNG phải thế chấp tài sản).

Đây cũng là một cơ chế cực kỳ quan trọng vì các cơ sở giáo dục với doanh thu dưới 100 tỷ phần lớn không có tích luỹ lợi nhuận nhiều. 10% doanh thu tương đương với tiền lương và tiền nhà khoảng 2-3 tháng. Số tiền này đủ để doanh nghiệp tồn tại được.

Để cơ chế này có thể hiện thực hoá nhanh nhất được, các chủ doanh nghiệp có thể phải ký chấp nhận thế chấp cổ phần tại công ty (tương đương khoảng 20% là vừa) và chịu trách nhiệm pháp lý nếu không trả khoản vay nóng này trong vòng 18 tháng (thông qua trừ trực tiếp tại các tài khoản cá nhân, hoặc tài khoản công ty hoặc bị công bố nợ xấu)

3. Đề nghị CP xem xét cho miễn đóng BHXH và thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 02 năm đối với những doanh nghiệp giáo dục bị ảnh hưởng nặng vì dịch Covid 19.

Các doanh nghiệp giáo dục phần lớn là nhỏ với số lượng nhân viên không lớn, với lực lượng nhân viên chủ yếu là giáo viên. Họ cũng không có tài sản tích lũy nhiều ngoài tiền vốn đầu tư vào sửa chữa, thuê cơ sở mặt bằng, và trả lương giáo viên. Nguồn thu duy nhất của doanh nghiệp giáo dục tư nhân là học phí. Do vậy, khi khủng hoảng Covid19 xảy ra, do bị bắt buộc đóng cửa kéo dài, nguồn tài chính dự trữ sẽ cạn kiệt rất nhanh. Nếu không có hỗ trợ kịp thời thì chắc chắn họ sẽ phải sa thải giáo viên và đóng cửa cơ sở giáo dục.

Chính phủ có thể đưa ra tiêu chí đánh giá doanh nghiệp giáo dục bị ảnh hưởng nặng như doanh thu bị giảm 40% so với doanh thu năm trước.

4. Có chính sách cứu trợ ngay lập tức những đối tượng dễ tổn thương nhất trong ngành giáo dục: giáo viên lương dưới 06 triệu/tháng.

Chính phủ cần có quyết sách quyết liệt và nhanh cho việc giải cứu này.Một trong những hình thức có thể làm là bảo lãnh ngân hàng cho những người làm trong ngành giáo dục bị mất việc. Trong bất cứ trường hợp nào thì không được có yêu cầu thế chấp tài sản vì bản thân những người làm giáo dục ở phân khúc này không có nhiều tài sản.

Về nguyên tắc, chính phủ hoàn toàn có thể làm được vấn đề này. Chính phủ có thể uỷ quyền cho một tổ chức tín dụng vi mô và tài chính tiêu dùng (microfinancing hoặc consumer financing) có uy tín (và có kinh nghiệm đòi nợ) là triển khai được, vì các tổ chức tài chính này rất có kinh nghiệm triển khai và thu hồi nợ. Chính phủ có thể bù lãi suất cho các tổ chức này.

Nhà nước có thể cho vay khẩn cấp 6 -12 tháng tiền lương đã đóng BHXH không lãi suất hoặc trợ cấp cho mỗi giáo viên, nhân viên không được hưởng BHTN 1tr đồng /tháng kể từ ngày ngưng hoạt động giảng dạy.

5. Đơn giản hóa triệt để các thủ tục trợ cấp thất nghiệp, cứu trợ khẩn cấp. Nên quy định thời gian tối đa là không quá 07 ngày chẳng hạn.

Hiện giờ chính sách nhà nước đã đưa ra khá tốt nhưng các bước thủ tục thực hiện còn quá quan liêu và phức tạp. Đồng thời thông tư hướng dẫn chưa ban hành khiến cho doanh nghiệp không biết bao giờ mới được áp dụng.

Một số điều kiện điều kiện để được hỗ trợ quá khắt khe và hoàn toàn phi thực tế. Ví dụ, một trong những điều kiện để được giải cứu là phải chứng minh được 50% nhân viên mất việc hay là chứng minh mất 50% doanh thu. Điều kiện này là vô lý vì không có ai dám xác nhận cho và không biết lấy xác nhận ở đâu. Ví dụ, thường bên phường sẽ không đồng ý xác nhận do không thuộc thẩm quyền của họ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang giảm lương giảm giờ làm 30-50% hay hơn, cố gắng để nhân viên không bị sa thải hẳn thì làm thế sẽ không đáp ứng việc giảm 50% nhân sự?

Các doanh nghiệp thực sự không muốn vi phạm pháp luật nên cần có các hướng dẫn rõ ràng, chi tiết, tránh gửi công văn lên nhận câu trả lời chung chung, doanh nghiệp không biết sau này có bị hay vi phạm pháp luật hay không.Giống như tiêu chí nhận gói cứu trợ của chính phủ Mỹ vừa qua, chính phủ Việt Nam chỉ nên đưa một số tiêu chí cực kỳ đơn giản là có thể giải ngân được. ví dụ:
a) làm trong ngành giáo dục;
b) lương dưới 6 triệu/tháng;
c) nhận lương cơ bản trong vòng 01 tháng vừa rồi.

6. Chấp nhận chính thức từ bây giờ và luôn về sau về cơ chế dạy học trực tuyến.

Điều này có nghĩa là chính thức bãi bỏ toàn bộ các yêu cầu liên quan đến cơ sở vật chất và vị trí địa lý quá khắt khe mà hiện giờ vốn đã quá lạc hậu đối với một nền kinh tế 4.0 nơi mà khoảng cách địa lý không còn ý nghĩa nhiều.

Việc chấp nhận hình thức dạy trực tuyến với tất cả doanh nghiệp giáo dục (từ phổ thông đến đại học) ngay lập tức bây giờ là một quyết định cốt tuỷ đối với doanh nghiệp giáo dục. Hiện giờ rất nhiều doanh nghiệp giáo dục ngần ngại không dám đầu tư vào hệ thống công nghệ và xây dựng chương trình, nền giảng công nghệ cho dạy trực tuyến hoặc dạy hỗn hợp (blended) vì họ sợ dịch chỉ kéo dài một thời gian ngắn và do vậy việc đầu tư trở nên tốn kém không cần thiết.

Chính phủ không nên lo ngại chất lượng của đào tạo trực tuyến sẽ bị suy giảm. Đây là một dịch vụ và khách hàng sẽ quyết định đón nhận dịch vụ ấy theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Phụ huynh nào không đồng ý thì sẽ từ bỏ dịch vụ dạy ấy và chuyển sang học trực tiếp. Còn phụ huynh hay học sinh nào đón nhận thì phải trả tiền.

Việc này cần cấp bách làm: Nếu không đầu tư đào tạo trực tuyến một cách nghiêm túc ngay bây giờ thì học sinh sẽ lỡ rất nhiều cơ hội học, các bạn trẻ không có việc gì làm, bố mẹ phải trông coi nhiều. Học sinh mất một năm học. Các trường, cơ sở giáo dục sẽ chỉ đầu tư vào dạy trực tuyến nếu về dài hạn chính phủ chấp nhận hình thức này một cách chính thức và lâu dài.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s