Có nên để con tự quyết định chuyện học và cuộc đời?

Mình rất hay gặp chủ đề này mỗi khi nghe bạn bè trao đổi về định hướng nghề nghiệp hay chọn trường đại học cho con. Ngày trước nhiều bố mẹ tham gia rất sâu vào quá trình ra quyết định của con, thậm chí là chọn hộ. Hiện giờ thì khá nhiều, nếu không nói là phần lớn, cha mẹ khu vực thành thị lại có xu hướng: “Phải tôn trọng, cho con nó tự quyết định. Quyền của nó.

”Nói thật là mỗi lần nghe thấy câu “Để chúng nó tự quyết định” là mình là sôi máu lên, chỉ muốn “bóp cổ lè lưỡi” những ông bố mẹ nào nói thế. Mới nghe thì tưởng đấy là dân chủ, hiện đại, tôn trọng con. Nhưng theo quan điểm của mình thì đấy là phát ngôn cực kỳ “vô trách nhiệm”.

Mình có một đứa cháu gái. Bố mẹ cháu khá giả và cũng “hiện đại” nên tôn trọng quyền quyết định chọn đại học của cháu. Thế là năm thứ nhất, cháu đi học máy tính ở Mỹ. Hết năm thứ hai, cháu cho rằng triển vọng nghề này ở Mỹ có vẻ không được tươi sáng lắm, nên cháu quyết định sang Thuỵ Sĩ chuyển ngành học nhà hàng khách sạn. Bố mẹ cháu thương con cũng đồng ý. Được 1 năm, cháu chán ngành này và kết luận là cháu nên về Anh học ngành tâm lý học. Thế là trong 03 năm, cháu đi 03 nước và tôi không hiểu đây đã là quyết định cuối cùng của bạn ấy chưa?

Cô cháu khác vì yêu thích thiết kế nên quyết tâm học ngành này tại một trường nổi tiếng bên Mỹ. Cháu tốt nghiệp loại giỏi nhưng xin việc không dễ ở Mỹ nên về Việt Nam làm với lương rất bình thường. Nếu bố mẹ cháu đọc thống kê thì sẽ biết ngành thiết kế và truyền thông được xếp hạng là những ngành có tiềm năng xin việc thấp nhất. Và nếu biết thế thì họ đã có thể khuyên cháu học thêm một ngành khác để đa dạng hoá kỹ năng của mình. Bố nó luôn ân hận vì quyết định ngớ ngẩn này.

Cậu con bạn mình học phổ thông cực giỏi, tiếng Anh xuất sắc, giao tiếp rất tốt, và thể lực to cao, khoẻ mạnh. Mình năn nỉ bố mẹ nó cho mình xin học bổng cho cháu sang Mỹ vì với tính cách của cháu chắc chắn nó sẽ thành công. Bố mẹ và ông cháu cũng xuôi xuôi. Nhưng một hôm, ông cháu, sau khi đọc một mẩu tin về bắn súng bên Mỹ, về nhà kết luận: “Con sẽ không đi Mỹ, học ở Việt Nam cũng được”. Mình không năn nỉ nữa, vì theo lời bố mẹ và bạn ấy: “quyền của nó” mà. Ông cháu tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Việt Nam, đi làm với mức lương làng nhàng vì đầy đứa giỏi từ đó mà ra. Nó không phải là duy nhất. Mỗi lần nhìn thấy nó, mình lại tặc lưỡi tiếc rẻ: “thằng này mà sang Mỹ thì cực ngon!”

Tuy nhiên cũng có chuyện khác, 15 năm trước cô cháu gái mình, học ĐH Quốc Gia HN, nhưng nuôi mộng đi Mỹ từ bé. Lại được chú bơm vào đầu nền giáo dục phương Tây nên quyết chí du học. Bạn ấy học hết năm thứ 3 đại học ở Việt Nam nhưng vẫn máu đi Mỹ. Xin học bổng 2 năm liền nhưng không được đủ tiền. Đến năm thứ 3, sắp vào năm thứ 4 thì nó xin được học bổng toàn phần học tại 1 trường ĐH danh tiếng ở Mỹ. Nó dứt áo ra đi.

Bố mẹ và cả nhà lo lắng, phát chán bảo: “Thôi, con học Việt Nam đi. VNU chứ có phải vớ vẩn đâu mà mày chê?” Nó bảo: “Chính vì con học VNU nên con mới thấy con cần đi nước ngoài thế nào. Con đã nghiên cứu kỹ rồi, con phải đi Mỹ. Chỉ có Mỹ mới thay đổi cuộc sống của con thôi”. Và nó lên đường. Bây giờ cô cháu mình đã hoàn thành ước mơ Mỹ và làm quản lý cho một tập đoàn tài chính cực lớn trên thế giới. Nó bảo: “Hồi ấy, cháu mà chọn con đường an toàn thì chả có bây giờ”.

Cái mà phương Tây hay cổ suý cho việc để con tự quyết định phải là “đưa ra quyết định có thông tin” (tiếng Anh dịch là: making “informed” decision). Chứ không phải là “tự quyết định”. Làm gì có chuyện ra quyết định tốt nếu không được cung cấp đầy đủ thông tin.

Mình luôn khuyến khích con tự ra quyết định để làm gì và học gì? Có điều quan điểm của mình là phải cung cấp đủ thông tin và dạy các bạn ấy phân tích cùng mình để đưa ra quyết định, chứ không thể dựa trên cảm tính và ý thích nhất thời được. Mọi quyết định quan trọng cần được cân nhắc kỹ chứ không phải là để mặc con vì bố mẹ “dân chủ hay hiện đại” nửa mùa.

Tốt nhất là tìm chuyên gia thực sự để hỏi han, chứ đừng cho các ông trẻ và bà trẻ tự quyết định hết.

Nhiều khi ông con thích đi Úc chỉ vì bạn gái nó sắp sang Úc. Còn bà trẻ thích học truyền thông vì thích Hari Won thần tượng. Nhưng ông con lại không được giải thích là học ở Úc vừa chưa chắc có lợi thế cạnh tranh về danh tiếng và chất lượng, lại có khả năng là con bé người yêu sau 3 tháng sẽ đá ông con ngay để cặp thằng khác. Còn bà trẻ thì không xem thống kê là trong hàng nghìn MC chỉ có vài người sống sung túc với nghề. Làm MC được như Lại Văn Sâm hay Hari Won thì khó hơn đếm sao trên giời.

Hồi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi luôn đưa tôi tìm gặp những người giỏi nhất mà các cụ có thể gặp mỗi khi tôi đưa quyết định gì quan trọng. Muốn học văn à? Ông già thiết kế ngay cho gặp một ông bạn thân làm văn sĩ nổi tiếng. Và mình kết luận là đời văn chương đói lắm. Thích học luật và làm ngoại thương, ông bà già đưa đi thăm mấy cô chú trong ngành đã từng sống ở nước ngoài và mình thấy nghề này rất hấp dẫn. Thích vào học trường Ams thì ông già cho gặp ngay 1 thầy luyện nổi tiếng kiểm tra xem có đủ năng lực học nổi với bọn ở Ams không? (Và ông thầy bảo là: thằng này thi văn thì ngon. Học toán thì cần luyện thêm). Không bao giờ bố mẹ tôi để tôi tự quyết định mà không tham khảo những người giỏi hơn các cụ trong lĩnh vực đó.

Nhìn thống kê, nhiều người giỏi thường có truyền thống “cha truyền, con nối”. Không phải là vì họ có gen sẵn. Mà vì họ được đào luyện và có đủ thông tin về ngành của họ từ khi còn bé tí. Nên bác sĩ thì thường thích con làm bác sĩ. Nhà làm bánh thì thích truyền nghề cho con làm bánh v.v

Đến chúng ta, qua tuổi 40 nhiều khi còn chả biết mình thích gì, muốn gì. Làm sao mà chúng ta lại để một đứa trẻ 15-17 tuổi quyết được gì nếu các bạn ấy chưa từng trải nghiệm, chưa từng vấp, chưa từng được thông tin, phân tích về lựa chọn nghề nghiệp và cuộc đời?

Do vậy kết luận của tôi là: không bao giờ được để các ông và bà trẻ tự quyết định mà không đưa các ông bà ấy khá đủ thông tin, chia sẻ trải nghiệm và tư vấn từ những người giỏi (với các ý kiến khác nhau). Và đặc biệt những bố mẹ nào không biết nhiều về ngành con học/muốn làm thì đừng phó mặc cho con tự quyết. Bạn sẽ hại chúng. Đấy không phải là “dân chủ hay hiện đại”. Đấy là vô trách nhiệm! Những đứa trẻ thành công đa phần đều có bố mẹ sát cánh bên cạnh lúc ban đầu.

PS: Như thường lệ, tút bao giờ cũng có quảng cáo. Cô cháu gái nói trên của chúng tôi, sau khi “công thành danh toại”, đã quyết định tham gia cùng các giáo sư và chủ tịch mấy trường ĐH bên Mỹ điều hành trường Ivy Global School, một trường phổ thông trực tuyến có chương trình được kiểm định của Mỹ với chi phí đột phá.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s