Xin chia sẻ những điểm yếu của chúng tôi, những người trót mang nghiệp làm giáo dục.
Điểm đầu tiên, phần lớn chủ doanh nghiệp giáo dục xuất thân là nhà giáo nên chúng tôi có hai điểm yếu chí tử:
1. Lòng tự trọng rất cao
2. Rất nhiều người chúng tôi là tay mơ về quản lý tài chính
Chính vì tự trọng nên khi khủng hoảng xảy ra, cần phải đàm phán về tiền bạc, học phí, hay giãn nợ, giảm lương, làm việc với ngân hàng, hay với phụ huynh, chúng tôi thường để lòng tự trọng và cái tôi lấn át những quyết định sáng suốt. Đáng ra nếu cần phải quyết liệt thì cứ quyết liệt; việc gì phải giận dỗi khi bị coi là “con buôn giáo dục” và phải mạnh mẽ trong chuyện quản lý dòng tiền thì chúng tôi lại không làm nổi hoặc “không đang tâm” làm. Và như thế thì không khác gì “cắt mạch máu cổ tay rồi nhúng vào bồn tắm đầy nước” tự sát từ từ trong êm ái.
Và cũng vì là tay mơ về quản lý tài chính nên nhiều khi chúng tôi chả hiểu thế nào là khấu hao, dòng tiền thu trước là nợ chứ không phải là lời, hay mặc cả quyết liệt các điểm bất lợi trong các hợp đồng thuê cơ sở vật chất.
Qua cuộc khủng hoảng vừa rồi, tôi mới thấy điều đó càng hiện rõ. Có những bạn chủ doanh nghiệp giáo dục kể: “em đã trót đóng tiền cho chủ cơ sở cả mấy tháng rồi, thậm chí đặt cọc cả 6 tháng, trả tiền 1 năm rồi vì em muốn yên thân”. Về nguyên tắc quản trị dòng tiền thì không ai nên đặt cọc quá 1-3 tháng và cũng không việc gì phải trả tiền 3-6 tháng một lần. Họ bảo tôi: “Nếu em không làm thế thì em không có được chỗ thuê đẹp, anh ạ.” Tôi có khuyên họ: “đáng ra như thế thì em kiên quyết không thuê chứ không bao giờ chấp nhận rủi ro lớn như thế.”
Có chủ trường lại rất tự hào trong mùa dịch mà trả đủ tiền lương cho nhân viên bằng cách vay tiền ngân hàng và không thu học phí học trực tuyến. Đối với tôi đó là một quyết định lãng mạn cực kỳ mạo hiểm. Giả dụ như dịch kéo dài vài tháng nữa, hoặc khủng hoảng dây chuyền nổ ra, thì không biết các trường ấy lúc đấy sẽ lấy đâu ra tiền nhỉ? Nếu quyết liệt về tài chính thì chắc chắn sẽ không có chuyện đó. Không trả tiền học phí thì hết năm học, phụ huynh và trường chia tay nhau. Còn nếu bố mẹ mà bị ảnh hưởng thật thì chúng tôi sẽ miễn giảm học phí luôn. Chứ cắt máu mình đi bán thì không bao giờ!
Nhiều chủ doanh nghiệp giáo dục chúng tôi còn có hai tính rất xấu là:
a) đoàn kết yếu; và
b) sợ chính quyền.
Sau vụ Covid19 vừa rồi, tôi mới thấm thía sự không đoàn kết của doanh nghiệp giáo dục chúng tôi. Chúng tôi ích kỷ, nói xấu nhau nhiều hơn giúp đỡ nhau. Tham dự rất nhiều cuộc họp và gặp mặt với các lãnh đạo doanh nghiệp giáo dục tư nhân, từ đại học đến phổ thông, tôi phần lớn thấy chúng tôi không nể nhau, luôn vạch được cái xấu của nhau, chê nhiều hơn đoàn kết. Túm lại là chỉ có trường mình là nhất, còn của bà/ông khác thì “nhiều vấn đề lắm”, từ chương trình đến giáo viên. Thế mới lạ!
Ví dụ, một trường xảy ra một vụ khủng khoảng lớn. Đáng ra các trường khác phải thông cảm và hỗ trợ vì sự cố không ai muốn có. Đằng này, có mấy trường nào chia sẻ, cảm thông. Thay vì thế, có khi lại còn vui ngầm vì đối thủ đi xuống. Có cả 1 cái trường rất lớn vô cùng thiếu nhạy cảm, trong lúc người ta đang rối tinh lên thì đi khoe khoang là mình làm tốt hơn, vô tình hay hữu ý “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc khủng hoảng ấy. Rất là phản cảm!
Đợt Covid19 vừa rồi, suýt nữa các trường tư sập tiệm vì bị đóng cửa dài dài, lại không được thu học phí học trực tuyến. Ấy thế mà không có tổ chức giáo dục lớn nào dám tập hợp lại để cùng lên tiếng. Bạn giám đốc điều hành 1 trường của chúng tôi bảo: “Anh ơi, chết đến nơi rồi mà ngoài mình ra có ai dám nói gì đâu. Em liên hệ thì toàn thấy từ chối khéo. Ai cũng ngại dây với Sở và Bộ.”
Bọn tôi hè nhau ra làm được cái kiến nghị tập thể thì mãi chỉ mấy tổ chức vừa và nhỏ mới dám ký. Mấy các tập đoàn giáo dục to chả hội nào dám ký. (Có cụ lãnh đạo tập đoàn rất to còn lên khoe lúc đấy là mình làm tốt và thỉnh thoảng tỉa anh em vài phát trong lúc anh em đang ngáp ngáp cơ). Có lãnh đạo một tổ hợp giáo dục vừa mới ký thì hôm sau nằng nặc xin rút tên vì bị ông chủ kỷ luật.
Bàn đi tán lại mà mấy tập đoàn giáo dục lớn mãi không xong được cái bản kiến nghị chung cho chính quyền. Không phải vì không làm được, mà là sợ ông chính quyền mất lòng. Viết xong rồi lại cất đi. Hỏi đến thì bảo là: “Thôi, để nói trực tiếp với các anh ấy hay hơn”. Sợ các anh lãnh đạo Sở/Bộ mất lòng hơn là sợ công ty phá sản!
Trí thức mà khí phách thế thì dạy ai được nhỉ?
Tiếp nữa, là không thể đem tinh thần “đại gia” vào giáo dục được. Đại gia có tiền có thể làm rất nhiều thứ: buôn xe máy, làm chứng khoán, làm bất động sản, ngân hàng, làm đá, v.v đều có thể lấn sang ngành khác được. Tuy nhiên để lấn sang giáo dục thì “hãy đợi đấy”.
Anh không thể khệnh khạng cưỡi xe Mercedes, lướt vào cổng trường đại học tư do anh làm chủ, có nhân viên cúi rạp người “Chào ông chủ tịch ạ” được. Hình ảnh ấy chưa bao giờ được chấp nhận trong giáo dục. Trí thức giàu hay nghèo cũng có lòng tự trọng cao. Họ có thể không nói ra nhưng chắc chắn sẽ rất ghét. Có khi chửi thầm “thằng trọc phú” mà ông chủ không hề biết.
Chốn giáo dục nhưng lắm ông/bà chủ hành xử như một kẻ chỉ có tiền, sẵn sàng lên giọng (chưa kể là nói tục) chỉ đạo lãnh đạo trường như một đứa trẻ. Tôi đã từng chứng kiến một đại gia nổi tiếng, mang hiệu trưởng trường ĐH của mình đi họp. Đại gia ấy khi nói xong phần của mình, quay sang hất hàm hỏi hiệu trưởng của mình: “cô này cho ý kiến đi nhỉ?”.
Ở doanh nghiệp thì ông chủ hoặc tổng giám đốc là to nhất và có quyền thay đổi chiến lược công ty. Ở trường ĐH mà quyết liệt thế thì có khi giảng viên nghỉ sạch. Điều hành một ĐH tư với phong cách độc tài thì trước sau trường ấy cũng đi xuống. Tháp ngà là nơi tập hợp những cái tôi lớn, dễ tổn thương, lại chẳng phải lúc nào cũng vì tiền. Nếu không bỏ được cái tôi “ông/bà chủ” để làm việc với họ thì đừng mơ làm giáo dục.
Tuy nhiên, có nhiều đại gia vì yêu thích và muốn làm giáo dục nên mời các hiệu trưởng trường công về làm và khoán trắng cho các vị đó. Điều này cũng tai hại vô cùng.
Các hiệu trưởng trường công, đặc biệt là trường có tiếng, hiếm khi phải đi hàng trăm km rong ruổi trên đường tuyển sinh; hiếm khi phải đứng nói trước hàng ngàn học sinh để giới thiệu về trường mình và “nuối cái tôi” mời đăng ký học; hiếm khi phải chịu áp lực lãi lỗ; và có khi cũng không quen đọc báo cáo tài chính làm gì; chả bao giờ phải cho nhân viên nghỉ việc hàng loạt; và cũng hiếm khi nhẫn nhịn hạ mình tuyển nhân tài; Những điều khó khăn ấy họ chưa từng phải trải qua. Giờ bắt họ làm tất thì khó cho họ quá!
Còn có khá nhiều trí thức lớn vì yêu giáo dục muốn thay đổi giáo dục nên họp với nhau làm một cái trường ĐH với ước vọng chấn hưng dân trí. Nhưng các cụ quên béng mất là Việt Nam không giống Mỹ nên không ai đi bỏ tiền tài trợ một cái trường ĐH tư của người khác cả, kể cả là phi lợi nhuận. Các cụ có thể xin xong giấy phép, mở nổi trường ban đầu nhưng loay hoay suốt bao năm không xây nên nổi cái trường, cũng không huy động nổi vốn để phát triển.
Cuối cùng Hội đồng quản trị toàn những cụ 70 tuổi ngồi với nhau, so kè câu chữ trong văn bản. Đến lúc bảo chuyển cho người khác đầu tư thì nhiều cụ “ăn mày dĩ vãng”, ôm mãi giấy phép. Rõ là: ”Củi mục bà để gầm giường Đứa nào động đến: trầm hương của bà”.

Tóm lại, làm giáo dục không phải dành cho tay mơ. Đầu tư ban đầu rất lớn, với chính sách hiện giờ chỉ béo đội sở hữu bất động sản, tích đất. Xã hội chưa đủ rộng lượng, tôn trọng và sẵn sàng vùi dập người làm giáo dục. Sự tuỳ tiện và nặng định tính của chính sách làm cho đầu tư giáo dục rất khó khăn. Bản thân người đầu tư vào giáo dục tư nhân yếu cả vốn, kiến thức điều hành doanh nghiệp, lẫn sự đoàn kết, lại sợ chính quyền hơn sợ cọp. Đầu tư tư nhân vào giáo dục mới chỉ bắt đầu. Đường còn xa lắm! Chị em và anh em giáo dục đoàn kết nào!
Thôi thì:
“Đã mang nghiệp giáo vào thân
Thì đừng có trách Sở gần, Bộ xa
Thành công không phải vì ta
Chữ may kia mới bằng ba chữ tài”
(Lẩy Kiều)
HẾT.
Cảm ơn anh rất nhiều!
ThíchThích